Khó khăn trong công tác phòng chống lao tại Hà Tĩnh
loading...
08:54 06/08/2018

Tại Hà Tĩnh mỗi năm có hơn 1000 trường hợp mắc lao các thể được phát hiện. hó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến công tác phòng chống lao tại Hà Tĩnh là ý thức của người dân còn thấp, đa số bệnh nhân là người nghèo, còn có sự kỳ thị với bệnh nhân lao trong xã hội nên nhiều bệnh nhân lao còn mặc cảm, dấu bệnh

Tại Hà Tĩnh mỗi năm có hơn 1000 trường hợp mắc lao các thể được phát hiện. hó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến công tác phòng chống lao tại Hà Tĩnh là ý thức của người dân còn thấp, đa số bệnh nhân là người nghèo, còn có sự kỳ thị với bệnh nhân lao trong xã hội nên nhiều bệnh nhân lao còn mặc cảm, dấu bệnh, vì thế nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng là rất lớn. Bệnh nhân Nguyễn Văn Bình, Xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà vào Bệnh viện lao và bệnh phổi trong tình trạng ho, tức ngực, khó thở, da xanh. Qua thăm khám bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị lao phổi nặng, giảm chức năng hô hấp, tổn thương phổi. Ông cho biết: “Cách đây hơn một tháng tôi bị ho nên tự mua thuốc uống, nhưng uống mãi không khỏi. Nghe bác sĩ của Trạm y tế bảo tôi có các triệu chứng của bệnh lao nên hướng dẫn tôi đi kiểm tra, nhưng tôi sợ mọi người biết nên dấu bệnh. Đến khi thấy sức khỏe giảm sút người gầy nhiều nên đến đây khám mới biết bị bệnh lao, phổi bị tổn thương nặng do không điều trị kịp thời”.

Bên cạnh đó, dịch tễ bệnh lao còn cao, lao HIV, lao kết hợp với một số bệnh mãn tính khác, lao kháng thuốc có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, tại tỉnh ta chưa có trang thiết bị chẩn đoán lao kháng thuốc do đó phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, điều đó rất khó khăn cho công tác điều trị. Đặc biệt, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu ở các tuyến. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh thiếu bác sĩ đào tạo chính quy chuyên ngành, mới chỉ có 14 bác sĩ nhưng phải vừa làm công tác khám chữa bệnh vừa chỉ đạo chương trình chống lao quốc gia; tuyến huyện chưa có bác sĩ chuyên khoa, nhân lực biến động, phải kiêm nghiệm nhiều việc; cán bộ y tế phòng chống lao tại xã, phường chưa có phụ cấp. Ngoài ra, sự phối hợp y tế công tư trong phòng, chống lao hiệu quả chưa cao, việc tăng cường tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh lao tới các nhóm đối tượng đặc biệt, hoặc vùng sâu, vùng xa vẫn là những thách thức lớn. Bác sĩ Đặng Quang Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: “Cán bộ làm công tác phòng chống lao vừa làm việc trong môi trường đặc thù lại dễ bị phơi nhiễm, nên 8 năm nay bệnh viện chưa thu hút được bác sĩ chính quy về làm việc. Do thiếu bác sĩ nên hầu hết bác sĩ làm công tác phòng chống lao ở các tuyến phải gòng mình để làm việc, đêm trực ngày vẫn phải làm. Chúng ta mới chỉ phát hiện được hơn 60% bệnh nhân lao, do đó vẫn còn gần 40% bệnh nhân lao còn tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện”.

Lao là một bệnh truyền nhiễm không những ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng người mắc bệnh mà còn là vấn đề sức khỏe của cộng đồng, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc lao không miễn trừ một ai; bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn khi được phát hiện sớm và chữa trị đúng; đầu tư cho phòng chống lao là đầu tư y tế mang lại hiệu quả kinh tế cao vì vậy sẽ góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Chính vì thế, công tác phòng chống lao tỉnh nhà cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng tầm của tỉnh và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội trong đó y tế giữ vai trò nòng cốt. Có như vậy chúng ta mới hy vọng thực hiện thành công thanh toán bệnh lao trong tương lai gần, để trẻ em sinh ra trong thế kỷ XXI sống trong môi trường không có bệnh lao.

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao 24-3-2015 với chủ đề “Việt nam quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia phòng chống lao”. Ngày Thế giới phòng, chống lao kêu gọi sự nỗ lực của toàn cầu để tìm kiếm, điều trị và chữa khỏi bệnh cho tất cả những người mắc bệnh lao, đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì một thế giới không còn người bệnh lao vào năm 2035

Bài, ảnh: Thanh Loan (T4g Hà Tĩnh)

Ý kiến bạn đọc